Nhà báo Song Minh kể chuyện “Thời đi học của người nổi tiếng”

Lần đầu tiên, thời đi học đầy thú vị của người nổi tiếng như NSND Trà Giang, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Tô Hoài, nghệ sĩ Bảo Quốc, nghệ sĩ Mạc Can,…được Song Minh kể lại trong tập sách “Thời đi học của người nổi tiếng”.

0
0

Chuyên mục “Thời đi học của người nổi tiếng” là một chuyên mục được độc giả, nhất là những độc giả ngành giáo dục rất yêu thích và xem như một “đặc sản” riêng. Chuyên mục này giới thiệu những hồi ức kỷ niệm và cách học của các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, giáo dục – đào tạo, kinh tế – xã hội… Nhà báo Song Minh là người trực tiếp thực hiện chuyên mục này đã hơn 15 năm qua trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Chính vì thế, với anh tập sách này có rất nhiều niềm vui cũng như nhiều kỷ niệm sâu sắc với những nhân vật mà anh đã từng gặp và phỏng vấn.

Tập sách bao gồm 19 nhân vật mà chỉ cần nhắc đến tên là bất kỳ ai cũng biết. Họ không chỉ là người nổi tiếng, tài năng mà còn có nhân cách đạo đức đáng trân trọng như: GS-TS Trần Văn Khê, GS-NGND Hoàng Như Mai, GS-NGND Lê Trí Viễn, GS-TS Trần Hữu Tá, GS-NSND Tạ Bôn, NSND Trà Giang, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Bảo Quốc, nghệ sĩ Mạc Can, nghệ sĩ Minh Nhí, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, ca sĩ Lam Trường, diễn viên Nguyễn Chánh Tín, diễn viên Hồ Lê Nguyên Khôi, cascadeur Lữ Đắc Long… Thời đi học của mỗi người khác nhau, có người được học cao nhưng cũng có người học trung bình và cả những người chưa từng đến lớp, chỉ học lóm. Nhưng điều đọng lại trong mỗi nhân vật là sự kiên trì, hết lòng với công việc đang theo đuổi để khẳng định tên tuổi của mình.

Nhà báo Song Minh kể: “Còn nhớ lúc mới bắt đầu thực hiện chuyên mục này, khi tôi gọi điện thoại cho những người nổi tiếng như NSND Trà Giang, GS-NGND Hoàng Như Mai, GS-TS Trần Văn Khê… để xin một cuộc hẹn đến phỏng vấn, họ đều từ chối vì “chúng tôi không có gì mới để viết…”. Nhưng khi tôi nói tên chuyên mục và nội dung khơi gợi những kỷ niệm về thời cắp sách đến trường, họ vui vẻ đồng ý ngay và còn khen chuyên mục hay, mang đầy tính giáo dục khiến tôi rất phấn khởi.

Năm 2000, Hội sách lớn lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM có mời những nhà văn – nhà thơ nổi tiếng từ Hà Nội như Tô Hoài, Huy Cận, Trần Đăng Khoa vào giao lưu. Lúc ấy, tôi cũng là một độc giả hâm mộ tài năng của họ, muốn được một lần trò chuyện để thực hiện cho chuyên mục của mình. Tôi phải mất 3 ngày liên tiếp ‘canh me’ tại hội sách mới hoàn thành xong nhiệm vụ, bởi tôi chỉ được trò chuyện với họ trong giờ giải lao sau buổi giao lưu mà thôi. Khi bài đăng, tôi gửi báo ra Hà Nội tặng cho ba nhân vật trên.

Một buổi chiều, trên đường đi làm về, tôi nhận được cuộc điện thoại cảm ơn của nhà thơ Huy Cận, ông còn góp ý về bài viết của tôi… Và như một cái duyên, khi nhà thơ Huy Cận có chuyến công tác vào TP.HCM năm 2003, tôi lại gặp ông một lần nữa. Nhưng lần này, tôi xin được phỏng vấn về những công việc mới, ông lắc đầu từ chối và bảo: “Trước đây, tôi thích chuyên mục của báo anh nên mới trả lời. Còn bây giờ xin khất vì tôi già rồi, toàn chuyện cũ không có gì mới cả…”. Tuy không phỏng vấn được ông lần nữa nhưng tôi rất vui vì sự chân tình của ông…”

Ấn tượng không quên của tác giả nữa chính là nhân vật nghệ sĩ Mạc Can. Khi hỏi về thời đi học, ông trả lời một câu mà bất cứ ai cũng phải… giật mình: “Tôi chưa một lần được cắp sách đến trường…”.

Ông kể: “Tuổi thơ của tôi lênh đênh trên thuyền theo cha hành nghề xiếc rong. Khi gánh xiếc đến các làng, nghe tiếng trống trường là tôi chạy tới, đứng ngoài cửa sổ, nhìn các bạn cùng lứa ngồi học, tôi cũng đánh vần theo những tiếng ê a trong lớp… mặc dù không hề biết mặt chữ “tròn méo” thế nào. Năm lên 10 tuổi, gánh xiếc có một thời gian dài ế ẩm nên phải lên bờ. Tình cờ quen một chú họa sĩ, chú kêu tôi tới nhà phụ vẽ, bù lại sẽ dạy chữ cho. Tôi mừng lắm. Chú họa sĩ thường lấy các quyển Don Quichotte và chiếc cối xay gió, Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ… ra dạy. Tôi nghe và “biết mặt” các chữ cái từ các quyển sách ấy, từ từ mới hiểu được nghĩa của câu. Chính cách học này mà dần dần giúp tôi thuộc hết các con chữ. Từ “vốn” căn bản ấy, mỗi khi ra đường, thấy những mảnh báo người ta dùng gói xôi, gói bánh mì quăng xuống, tôi nhanh chóng nhặt lên và dò đọc từng chữ trên đó… Chuyện này kể lại nhiều người cứ bảo tôi… xạo, nhưng là sự thật 100% đó. Năm 13 tuổi, gia đình tôi lên định cư ở Sài Gòn. Ngoài giờ đi diễn, tôi hay lân la ra các quầy sách cũ “đọc cọp”. Đọc riết rồi ông chủ tiệm quen mặt, hiểu được hoàn cảnh nên kêu tôi ra phụ bán để được đọc sách thoải mái.

Chuyện “đi học” của tôi nó “ngộ” như vậy đó… Có lần nằm mơ, tôi thấy mình được đi học đàng hoàng, nhưng khi tỉnh dậy, tôi đang… ngủ gục trước hiên nhà, trên tay vẫn còn cầm quyển sách. Tôi cứ tức sao không chịu mơ lâu hơn để được ngồi học một cách trọn vẹn, nghĩa là phải mơ cho đến khi nào thi đậu đại học mới thỏa mãn…”

Nhắc lại những kỷ niệm với chuyên mục “Thời đi học của người nổi tiếng”, nhà báo Song Minh kể tiếp: “Hồi mới về thực tập tại Báo Giáo dục TP.HCM, tòa soạn giao tôi đi phỏng vấn ca sĩ Lam Trường cho chuyên mục “Thời đi học của người nổi tiếng”. Như đã hẹn, tôi đạp xe đến nhà ca sĩ Lam Trường trên đường Lê Hồng Phong – quận 10 – TP.HCM. Bấm chuông, cô người làm chạy ra thấy tôi đứng với chiếc xe đạp cà tàng, tưởng fan hâm mộ cô nhất định không cho tôi vào dù tôi có giải thích thế nào. Thời may, ngay lúc đó, anh Thái – anh ruột ca sĩ Lam Trường đi công việc về. Biết mặt tôi, anh Thái mới dẫn tôi vào nhà để thực hiện cuộc phỏng vấn ca sĩ Lam Trường… Trên đường về, cổ họng tôi nghèn nghẹn vì tủi thân…!

Lần sau, hẹn phỏng vấn danh hài Bảo Quốc ở một quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), rút kinh nghiệm, tôi gửi xe đạp bên Nhà tang lễ Lê Quý Đôn rồi đi bộ qua quán. Tôi nhớ rất rõ lần gặp ấy, danh hài Bảo Quốc đã say sưa kể cho tôi nghe về thời chú đi học… Phỏng vấn xong, danh hài Bảo Quốc hỏi tôi tòa soạn ở đâu chú cho đi nhờ xe hơi về. Tôi bảo ‘cháu còn ngồi đây đợi đồng nghiệp đến bàn công việc’ chứ thật ra tôi ngồi đợi danh hài Bảo Quốc lên xe hơi về hồi lâu tôi mới lững thững sang Nhà tang lễ lấy xe đạp cọc cạch về tòa soạn… Với tôi, bài báo ấy là một kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời làm báo của mình!”.

Khi gặp nhà văn Sơn Nam, ông nói một câu làm tác giả vui không tả hết: “Có hàng ngàn bài báo phỏng vấn tôi. Nhưng cậu là người đầu tiên hỏi tôi về thời đi học đó nhé…”. Nhà báo Song Minh xúc động: “Một nhà văn ‘lão làng’ như ông mà tôi được vinh dự là người đầu tiên viết về thời đi học thì còn gì vui sướng bằng. Chính nhà văn Sơn Nam cũng là người gợi cho tôi ý tưởng tập hợp thành sách. Nhưng tiếc rằng khi quyển sách này nằm trên kệ, tôi không có cơ hội được ký tặng vì lão nhà văn đã về với trời… Không chỉ nhà văn Sơn Nam, mà một số nhân vật trong tập sách này cũng đã ‘đi xa’ như nhà thơ Huy Cận, GS-TS Trần Văn Khê, GS-NGND Hoàng Như Mai, GS-NGND Lê Trí Viễn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà văn Anh Đức, diễn viên Nguyễn Chánh Tín… Bản thân tôi tự xem những bài viết về họ như một tư liệu quý cho sự nghiệp làm báo của mình…”.

“Ai cũng có một thời đi học. Thậm chí, có người chưa từng cắp sách đến trường cũng có một thời… mơ đi học như Mạc Can… Đó là thời niên thiếu của mỗi đời người. Thời đó, nhiều kỷ niệm, nhiều dấu ấn sâu đậm không thể nào quên… Thông qua những kỷ niệm khó quên trong thời đi học của những nhân vật nổi tiếng đó, bạn đọc – học sinh, sinh viên có thể tìm thấy cách học, phương pháp học, thậm chí cách chơi, cách sống hồn nhiên của tuổi ‘thứ ba học trò…’ nhằm hun đúc, noi gương… Trong tương lai không xa, “Thời đi học của người nổi tiếng” tập 2, 3… sẽ tiếp tục ra đời. Tin rằng, độc giả sẽ tiếp tục có những bất ngờ, thú vị về những nhân vật nổi tiếng mà mình yêu mến, trân trọng. …”, tác giả chia sẻ!

Minh Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here