‘Đêm Vượn Hú’ thuộc thể loại kịch trinh thám, đưa khán giả vào chuyến điều tra thủ phạm gây ra cái chết oan uổng của bé Ái. Giữa cơ ngơi bạt ngàn, hào nhoáng của gia tộc bà Từ chất chứa sự ngột ngạt ai oán sau sự ra đi đầy kỳ lạ của đứa trẻ. Tác giả Xuyên Lâm đã tài tình đặt tất cả thành viên trong căn biệt thự vào bàn cờ nghi hoặc. Lần lượt từng nhân vật, gã con phá gia chi tử Sinh (Quách Ngọc Tuyên), Liên (Minh Thảo), bà Từ tật nguyền (NSƯT Tuyết Thu) hay cả thằng Gù khờ khạo, bí hiểm được đặt vào vòng nghi vấn. Nhưng, không chỉ nhắm vào câu trả lời cuối cùng về thủ phạm; vở kịch dần tô đậm và phô bày lòng tham con người bằng động cơ thực sự đằng sau màn kịch chạy tội đó. Cách ứng xử bất chấp và thái độ tận diệt với thiên nhiên của kẻ thủ ác thực thụ đã làm tác phẩm toát lên được thông điệp nhân quả đầy đau xót
Kịch ‘Đêm Vượn Hú’ ngay phút mở màn đã chứng tỏ dụng công của ekip sáng tạo, đạo diễn, mỹ thuật về xây dựng kết cấu sân khấu; khiến khán giả được gói trọn trong không gian rừng sâu. Hoặc sau đó, có lớp diễn, những lời thú tội được khoét sâu hơn nhờ độ chủ động sắp đặt ánh sáng đầy mê hoặc. Đạo diễn – nghệ sĩ Chánh Trực công nhận quyết định dàn dựng trở lại Đêm Vượn Hú sau gần 10 năm mang lại nhiều lợi thế lớn. Thời gian 10 năm giúp anh đủ chiêm nghiệm về những phân cảnh, bóc tách tâm lý kỹ càng hơn của từng tuyến nhân vật. Những kinh nghiệm dàn dựng ở tác phẩm năm 2015 là nền tảng vững chắc để phát triển thêm thiết kế sân khấu, sáng tạo hơn đường dây di chuyển của từng nhân vật, kể các các diễn viên vào vai ‘bóng ma’; từ đó làm dày thêm trải nghiệm thưởng thức trong không gian sân khấu đặc thù này.
Từng nhân vật trong ‘Đêm Vượn Hú’ tạo thành một xã hội thu nhỏ với đầy đủ cung bậc hỷ – nộ – ái – ố, những tham – sân – hận trong bản ngã con người. Do đó, từ tạo hình, tác phong đến lý lịch nhân vật đều mang lại thử thách nhất định cho ekip biểu diễn. Lần trở lại Nhà hát 5B của NSƯT Tuyết Thu đã khiến khán giả dõi theo ngỡ ngàng vì nhiều phát tiết cảm xúc đột ngột song đầy logic nhờ đường dây kịch bản mang lại. Lớp độc thoại cuối kịch của bà Từ nhận tán dương lớn từ khán giả, bởi hàm chứa trong từng lời thoại là nỗi ức chế của nữ chủ một cơ ngơi không trọn vẹn. Tạo hình nhân vật Sinh buông thả, trác táng tưởng chừng quen thuộc nhưng được NS Quách Ngọc Tuyên khai thác sâu sắc với nhiều thù hận ẩn sâu. Bản thân Quách Ngọc Tuyên hiểu rằng dấu ấn những vai màu sắc thế giới ngầm đã định hình ảnh trên màn ảnh nhỏ, nên anh tìm tòi cách thể hiện Sinh bằng lời thoại và cử chỉ ấn tượng hơn.
Đặc biệt trong vở diễn, nhân vật thằng Gù gia nhân do Trần Tuấn Kiệt thủ vai mang đến bất ngờ lớn. Ngay từ lớp khai từ, nỗi ám ảnh lộ rõ trên sân khấu khi thằng Gù giàn giụa nước mắt sợ hãi trong rừng thẳm. Trần Tuấn Kiệt thổ lộ ‘đây là vai diễn bi gần như đầu tiên trên sân khấu. Sau khi ngồi làm việc với đạo diễn Chánh Trực, với giám đốc sản xuất Mỹ Uyên và những tiền bối trong vở, như NSƯT Tuyết Thu, Minh Thảo, Quách Ngọc Tuyên…Kiệt quyết định thể hiện vai thằng Gù bằng ngôn ngữ và góc nhìn của một người trẻ. Kiệt cũng từng lo âu trước dấu ấn diễn xuất của NSND Việt Anh và Hùng Thuận ở bản dựng 10 năm trước nhưng đã tự tìm lời giải cho vai diễn bằng tính cách và kỹ thuật của riêng mình.’
NS Kỳ Thiên Cảnh trở lại đúng vai diễn Lung, vai diễn giúp anh bén duyên với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Do đó, ngay khi được mời lại đúng vai diễn này khiến anh không khỏi bồi hồi và không kém phần háo hức vì đã có cơ hội làm dày thêm tâm lý nhân vật, khắc họa nỗi đau rõ nét hơn của một tình yêu bị phản bội. Đối trọng với những nhân vật nam gai góc, bạo liệt; hai nhân vật nữ do NS Minh Thảo và Phương Linh thủ vai đẩy cảm xúc và thị giác khán giả bằng nét diễn nóng bỏng, khát khao nhưng đầy tan vỡ. Nhiều cảnh ái ân của NS Minh Thảo, Vũ Phương Linh và bạn diễn Quách Ngọc Tuyên được khán giả đánh giá cao, cho thấy bàn tay dàn dựng táo bạo nhưng hợp lý; là nét chấm phá phù hợp để sáng tỏ tất cả bí mật của gia đình bà Từ.
‘Đêm Vượn Hú’ là tác phẩm thứ hai của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ biểu diễn dự thi Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM lần thứ nhất 2024. Lựa chọn khá táo bạo này đến từ tâm niệm của Giám đốc Nhà hát – NSND Mỹ Uyên – nhằm giới thiệu sự đa dạng trong phong cách và đề tài của kịch nói TP. Trước đó, chị cùng NS Chánh Trực từng gây bất ngờ và thán phục cho khán giả thủ đô thi biểu diễn tác phẩm ‘Phía Sau Tội Ác’ tại Hà Nội. Sự sắp đặt khéo léo giữa yếu tố trinh thám, hiệu ứng rùng rợn và thông điệp nhân văn trong dòng kịch này của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ một lần nữa được thể hiện trong kịch ‘Đêm Vượn Hú’. Tham gia Liên hoan đi kèm với nhiều áp lực, nhưng đi kèm đó là nhiều phấn khích. Bởi với liên hoan lần này được tổ chức ngay tại ‘sân nhà’, tạo điều kiện để ekip thể hiện trọn vẹn ý đồ dàn dựng, đảm bảo chỉn chi nhất trải nghiệm và cảm xúc khán giả mà đạo diễn cùng ekip biểu diễn mong muốn mang lại. NSND Mỹ Uyên – giám đốc Nhà hát – cũng cho biết lý do không tham gia vai diễn cũ trong ‘Đêm Vượn Hú’ vì muốn dành toàn tâm toàn sức sản xuất, đứng phía ngoài giám sát để đảm bảo kỹ càng nhất trong từng đạo cụ, nét diễn của ekip.
Vở “Đêm Vượn Hú’ sẽ có suất diễn dự thi Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM vào 19h tối thứ ba 19/11. Bên cạnh đó, vở bi kịch ‘Bến Lửa Lòng’ của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ cũng sẽ tham gia, với suất diễn lúc 14h thứ bảy 16/11.
Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu
Giám đốc sản xuất: NSND Mỹ Uyên
Tác giả: Xuyên Lâm
Đạo diễn: Chánh Trực
Thanh Tâm